CÔNG TY CỔ PHẨN CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG
VÀ XÂY DỰNG SÀI GÒN

Mặn bất thường lần đầu xảy ra trong 20 năm qua tại Hậu Giang

(Tinmoitruong.vn) - Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, nếu như hàng năm xâm nhập mặn dứt điểm vào giữa tháng 5, thì năm nay đã gần cuối tháng 7 lại xảy ra tình trạng mặn xâm nhập bất thường sâu vào nội đồng.

Đáng lo, đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn vào giữa mùa mưa.

Qua ghi nhận, mặn xuất hiện bất thường tại Hậu Giang từ ngày 7/7, đến ngày 18/7 mặn đã lấn sâu vào địa bàn 3 huyện, thành phố của tỉnh gồm huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh, với độ mặn đo được dao động từ 1,1‰ đến hơn 6‰. Hiện nước mặn đã xâm nhập theo kênh xáng Xà No hướng từ tỉnh Kiên Giang vào sâu địa phận thành phố Vị Thanh và tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp từ tỉnh Bạc Liêu vào địa phận huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp. Đặc biệt, tại huyện Phụng Hiệp mặn đã lấn sâu vào các xã Phương Phú, thị trấn Búng Tàu, với độ mặn lên đến từ 2,6-4,4‰.

Ông Cam Quang Vinh, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, do tình hình mặn xâm nhập bất ngờ, và lần đầu xảy ra cách đây hàng chục năm nên người dân địa phương gặp nhiều lúng túng trong xử lý. Vấn đề lo nhất hiện nay là giải pháp bảo vệ diện tích lúa Thu Đông và vườn cây ăn trái của huyện, đặc biệt đối với vườn cây ăn trái chỉ cần độ mặn khoảng 2‰ sẽ gây thiệt hại. Cùng với đó, hàng trăm héc-ta lúa Thu Đông, dứa, mía tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đang đứng trước nguy cơ nhiễm mặn cao.

Mặn bất thường lần đầu xảy ra trong 20 năm qua tại Hậu Giang 

 

Theo ngành chuyên môn nhận định bước đầu, nguyên nhân mặn xuất hiện bất thường hiện nay là do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam thổi mạnh đẩy nước mặn từ tỉnh Bạc Liêu sang. Mặt khác, do ảnh hưởng của đỉnh triều cường trên biển cao hơn cùng kỳ các năm trước nên đẩy nước mặn tràn vào trong lục địa. Trong khi đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, cụ thể là Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) hiện thấp hơn cùng kỳ năm từ 60-90 cm nên lượng nước đổ về khu vực hạ lưu không nhiều nên mặn dễ dàng xâm nhập sâu vào đất liền. Sở dĩ mực nước đầu nguồn xuống thấp đáng kể là do lượng mưa ở khu vực trung và thượng du sông Cửu Long ít, kết hợp với các đập thủy điện của các nước trong khu vực ở đầu nguồn đã ngăn dòng chảy về hạ lưu.

Nhằm ứng phó với tình hình mặn diễn biến bất thường trên, tỉnh Hậu Giang khuyến cáo ngành chuyên môn, chính quyền địa phương theo dõi sát diễn biến của xâm nhập mặn; đồng thời chỉ đạo khẩn cấp và thông báo rộng rãi đến bà con nông dân biết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trước mắt, người dân nhanh chống gia cố lại đê bao và cho đóng lại tất cả các cống, đặp ngăn mặn giữ ngọt; bà con tạm thời không bơm nước vào đồng tưới tiêu diện tích lúa Thu Đông và vườn cây ăn trái; đồng thời chủ động tích trữ nước ngọt trong thời gian này để phục vụ nước sinh hoạt và tưới tiêu diện tích cây trồng. Đặc biệt địa bàn xã Phương Phú, thị trấn như Búng Tàu của huyện Phụng Hiệp có diện tích vườn cây ăn trái lớn, người dân cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lấy nước bị nhiễm mặn tưới trực tiếp cho vườn cây ăn trái của gia đình.

Nguồn: Huỳnh Sử

Các Tin Khác :